AGS – Theo bảng xếp hạng 2017 các trường đại học hàng đầu thế giới của Thượng Hải Ranking Consultancy (một công ty tư vấn GD quốc tế đã thực hiện xếp hạng tốp 500 trường đại học kể từ năm 2003), các trường đại học Mỹ tiếp tục thống trị nhóm đầu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong tốp 500 thì châu Á đang vươn lên với thêm nhiều đại diện.
Mỹ thống trị tốp đầu
Trường ĐH Harvard tiếp tục giữ vị trí số 1 trong 15 năm liên tiếp, vị trí số 2 cũng thuộc về một trường ĐH Mỹ là Stanford. Thay đổi lớn trong tốp 10 là ĐH Cambridge của Anh vượt qua Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH California, Berkeley – chiếm vị trí số 3.
Trong tốp 10, Mỹ chiếm tới 8 đại diện và có 16 đại diện trong tốp 20, trong đó ĐH Washington tại St Louis lần đầu tiên lọt vào tốp 20. Vương quốc Anh có 2 đại diện trong tốp 10 – với ĐH Oxford giữ nguyên thứ hạng 7 – và 3 trong tốp 20, với ĐH College London tăng một hạng lên thứ 16.
Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ và Anh có đại diện trong tốp 20, với Viện Công nghệ Zurich (ETH Zurich) giữ nguyên thứ hạng 19 – bảo đảm vị trí trường ĐH có thứ hạng cao nhất tại lục địa châu Âu – bỏ xa ĐH Copenhagen, Đan Mạch (hạng 30) và ĐH Pierre and Marie Curie, Pháp (hạng 40).
Trong 5 trường ĐH mới soán chỗ trong tốp 100, có 2 “tân binh” lần đầu tiên vào tốp 100 là ĐH Erasmus, Hà Lan (hạng 73) và ĐH Cardiff, Anh (hạng 99).
Tổng quan, các trường ĐH Mỹ thống trị tốp 100 với 48 đại diện và có 135 đại diện trong tốp 500. Trung Quốc có 57 đại diện trong tốp 500 và UK có 38. Trong tốp 500 có 18 trường ĐH lần đầu tiên lọt vào danh sách.
Châu Á vươn lên
Các trường đại học Mỹ rõ ràng vẫn thống trị ở cả nhóm đầu lẫn tốp 500, tuy nhiên năm nay số đại diện từ các nước châu Á trong tốp 500 đã tăng lên như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt có 57, 17 và 12 đại diện.
ĐH Tokyo xếp hạng 24 vẫn là thứ hạng cao nhất khu vực châu Á. ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc (hạng 48) lần đầu tiên lọt vào tốp 50 và trở thành trường ĐH có thứ hạng cao thứ ba châu Á, sau ĐH Kyoto, Nhật Bản (hạng 35).
Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách xa so với Nhật Bản về số thứ hạng cao trong bảng xếp hạng mặc dù là “người bám đuổi” sát nhất.
Trường ĐH có thứ hạng cao nhất Trung Quốc là Thanh Hoa (48), phía sau là ĐH Bắc Kinh (71) và Fudan rơi vào nhóm thứ hạng 101 – 150. Trong khi đó 3 trường đại học hàng đầu Nhật Bản là Tokyo (24), Kyoto (35) và Nagoya (84).
Trường ĐH xuất sắc nhất của Singapore là ĐH Quốc gia Singapore xếp hạng 91, tiếp theo là ĐH Công nghệ Nanyang (101 – 150) – nhưng đó cũng chỉ là 2 đại diện duy nhất trong tốp 500.
Ba trường ĐH hàng đầu Hồng Kông nằm rải ở 3 nhóm xếp hạng: ĐH Hồng Kông (101 – 150), ĐH Hồng Kông Trung Quốc (151 – 200) và ĐH Hồng Kông City (201 – 300).
Trường ĐH có thứ hạng cao nhất Hàn Quốc là ĐH Quốc gia Seoul trong nhóm 101 – 150; xếp sau là ĐH Hanyang và Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc trong nhóm 201 – 300.
Malaysia cách xa phía sau với 2 đại diện trong tốp 500, cả 2 đều trong nhóm 401 – 500 (ĐH Malaya và ĐH Khoa học). Thái Lan có 1 đại diện trong tốp 500 là ĐH Chulalongkorn, trong nhóm 401 – 500.
Xếp hạng của Thượng Hải Ranking Consultancy dựa vào phần lớn các chỉ số như số giải Nobel và Toán học Fields Medal của cựu sinh viên và cán bộ nhà trường; các công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí “Nature” và “Science”. Có nhiều ý kiến chỉ trích xếp hạng này đặt nặng yếu tố khoa học hơn nhân văn.